Menu

Lao động đi Nhật thiệt thòi vì chương trình 'thực tập sinh'

04/07/2022 675

Lao động đi Nhật thiệt thòi vì chương trình 'thực tập sinh'

Thực tế đi làm việc nhưng lao động sang Nhật theo diện thực tập sinh chỉ xem là học nghề nên nhận lương thấp, không được đổi chỗ làm dù chưa hài lòng.

Từng tốt nghiệp Đại học sư phạm Đà Nẵng loại giỏi nhưng Phan Văn Huy, 34 tuổi, quê Đăk Lăk, không tìm được việc làm đúng ngành. Sau khi chuyển qua ba công ty, thu nhập mỗi tháng không quá 7 triệu đồng, anh Huy quyết định đi xuất khẩu lao động.

Anh Huy được một công ty xuất khẩu lao động ở TP HCM giới thiệu đi Nhật theo chương trình thực tập sinh kỹ năng nghề hàn. "Tính đến lúc bước lên máy bay, tôi đã vay nợ hơn 200 triệu đồng để trả chi phí đào tạo, xuất cảnh, ăn ở, học tiếng...", anh Huy nhớ lại thời điểm 8 năm trước.

Thông qua nghiệp đoàn ở Nhật, anh được công ty có trụ sở ở Osaka tiếp nhận rồi đưa về làm việc ở tỉnh Tochigi. Mỗi giờ làm việc anh được trả 877 yen (một yen quy đổi 180-200 đồng tùy thời điểm), bằng mức lương tối thiểu vùng tại nước này. Đến năm thứ ba, với mỗi giờ làm việc, anh nhận được 963 yen do chính phủ Nhật điều chỉnh lương.

Mỗi tháng, người lao động sẽ trích khoảng 20% lương cứng đóng bảo hiểm tai nạn, y tế, xã hội, thất nghiệp, thực tập sinh. Ngoài ra, tiền lương còn bị trừ các khoản thuế, tiền nhà, ăn uống, đóng phí nghiệp đoàn. Để dư được mỗi tháng 20-27 triệu đồng gửi về quê trả nợ và lo cho vợ con, anh phải cày cật lực, không ngại tăng ca và tiết kiệm tối đa. Năm đầu tiên, tháng nào anh cũng trữ sẵn mấy thùng mì để ăn hai bữa sáng, tối.

Hết hợp đồng ba năm, Huy phải về nước. Anh tiếp tục làm thủ tục xin gia hạn thêm hai năm, lúc này lương cơ bản tăng lên 1.000 yen mỗi giờ. Kết thúc 5 năm thực tập sinh, Huy thi lấy chứng chỉ kỹ năng nghề và tiếp tục ở lại theo chương trình kỹ năng đặc định. Hiện, mức lương của Huy là 1.150 yen mỗi giờ.

"Trong khi lao động nghề hàn thâm niên 6 năm được trả 1.300-1.700 yen mỗi giờ, những người từng là thực tập sinh phải nhận mức thấp hơn. Lý do là 5 năm đầu bị xem là thời gian học việc", anh Huy giải thích.

Anh Phan Việt Anh, thực tập sinh ba năm ở Nhật, về nước năm 2020, tác giả tự truyện "Tôi đi Nhật", cho rằng về lý thuyết, người lao động tham gia chương trình thực tập sinh sẽ được phía Nhật đào tạo kỹ năng, chuyển giao công nghệ để về phục vụ đất nước.

Thế nhưng các công việc được "học tập" lại rất đơn giản như lái máy xúc, kiểm hàng, đầm đất... chủ yếu cần sức khỏe. Chưa kể, nhiều nghề ở Nhật không có ở Việt Nam, kỹ thuật, máy móc không tương thích, nên nhiều trường hợp về nước rất khó tìm được việc.

"Lý thuyết và thực tế khác nhau nên cuối cùng chỉ người lao động chịu thiệt", Việt Anh đánh giá. Chưa kể, lao động đi theo diện thực tập sinh chịu quản lý của nghiệp đoàn, mỗi tháng phải trích khoảng một triệu đồng đóng phí. Suốt ba năm, người lao động không được tự ý đổi chỗ làm.

Anh Việt Anh cho rằng hầu hết lao động Việt Nam sang Nhật để kiếm tiền. Họ phải vay mượn hàng trăm triệu đồng để trả cho các doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, khi đi làm ở những vùng áp dụng lương tối thiểu quá thấp, họ ít được tăng ca, điều kiện làm việc vất vả, không được đổi công việc. Điều này dễ khiến người lao động bỏ trốn, ra ngoài làm "chui" để có thu nhập tốt hơn.

Một phó phòng phụ trách thị trường Nhật của công ty xuất khẩu lao động có trụ sở ở TP HCM, cho biết trong các chương trình đi Nhật, lao động đi diện thực tập sinh chiếm số lượng lớn vì không yêu cầu bằng cấp, nhiều ngành nghề để lựa chọn.

"Vì gần như không đòi hỏi trình độ, kỹ năng nên các xí nghiệp tiếp nhận chỉ trả lương theo mức tối thiểu vùng", người này nói. Sau khi trừ hết các khoản bảo hiểm, ăn uống, trung bình mỗi tháng thực tập sinh để dành khoảng 20 triệu đồng.

Ngoài ra, chương trình thực tập sinh có những bất cập nhất định. Ví dụ lao động không được đổi xí nghiệp trừ khi nơi đó bị hỏa hoạn, đóng cửa. Thời gian của thực tập sinh được nghiệp đoàn quản lý chặt chẽ, khiến nhiều lao động không thoải mái.

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab, thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cũng cho rằng bản chất của thực tập sinh là sang Nhật lao động. Tuy nhiên, do nước tiếp nhận không đồng ý và duy trì "chính sách thực tập kỹ năng" từ năm 1992 đến nay. Các nước đưa lao động sang đều phải chấp nhận.

Trước đây, Hàn Quốc cũng áp dụng chính sách thực tập kỹ năng, nhưng sau đó đã bỏ, chính thức tiếp nhận lao động, tiền lương chi trả cũng tốt hơn. Sau khi Việt Nam nhiều lần đề nghị thay đổi, Nhật Bản đã có những biến chuyển nhất định. Cụ thể, cuối năm 2018, Nhật thông qua chương trình kỹ năng đặc định, tạo cơ hội cho thực tập sinh một số nghề được tiếp tục làm việc với mức lương cao hơn.

Trong năm nay, Việt Nam dự tính đưa 90.000 lao động sang nước ngoài làm việc theo hợp đồng. Đầu tháng 5, các doanh nghiệp đã đăng ký với Dolab hơn 80.000 người. Trong đó, Nhật Bản vẫn giữ thị trường lớn nhất với khoảng 60.000 người, chủ yếu là thực tập sinh; tiếp đến là Đài Loan gần 13.000 người; Hàn Quốc 7.000 người và một số nước khác như Australia, Canada...

Theo Vnxpress

 Tổng hợp các đơn hàng XKLĐ Nhật Bản

 Tổng hợp các đơn hàng XKLĐ Đài Loan

 Tổng hợp các đơn hàng XKLĐ Châu Âu

Để được tư vấn cụ thể về chi phí, lương, điều kiện tham gia các đơn hàng? Hãy NHẬP SỐ ĐIỆN THOẠI và yêu cầu gọi lại để được cán bộ tư vấn của chúng tôi liên lạc hỗ trợ.
 
 
 
 

 

Chia sẻ nhận xét của bạn về Lao động đi Nhật thiệt thòi vì chương trình 'thực tập sinh'

Lưu lại thông tin bình luận cho lần sau

Có 0 bình luận